Thị trường chứng khoán

Chuẩn bị chuyển sàn

Thứ tư, 07/01/2009, 08:49 GMT+7

TT - Những công ty niêm yết tại sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE) có vốn dưới 80 tỉ đồng sẽ phải chuyển ra sàn Hà Nội (Hastc). Theo ông Vũ Bằng - chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, việc chuyển sàn diễn ra trong tháng 1-2009.

 

Nhiều mã chứng khoán tại sàn TP.HCM sẽ được “di chuyển” ra sàn Hà Nội - Ảnh: THANH ĐẠM

Tại sàn HoSE có hơn 40 doanh nghiệp (DN) nằm trong danh sách phải chuyển sàn.

Ra Hà Nội mà... lo

Ông Hoàng Văn Điều - chủ tịch HĐQT Công ty CP văn hóa Tân Bình (ALT), công ty phải chuyển sàn - lo thanh khoản cổ phiếu có thể bị ảnh hưởng nếu phải ra sàn Hastc. Theo ông, DN niêm yết tại sàn Hose phải đáp ứng những điều kiện cao hơn so với sàn Hastc, nhờ vậy thanh khoản cũng tốt hơn. Chưa kể DN đã có được một lượng lớn nhà đầu tư tập trung tại TP.HCM. Việc chuyển sàn có thể tạo tâm lý không an tâm, nhà đầu tư có thể bán ra, ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.

Cũng có DN bất ngờ trước thông tin phải chuyển sàn vì trước đó có thông tin “hoãn chuyển sàn”. Một tổng giám đốc công ty niêm yết cho biết vì có thông tin chưa phải chuyển sàn nên trong năm qua đơn vị đã hoãn phương án phát hành.

Có giám đốc công ty niêm yết còn lo rằng việc chuyển ra sàn Hà Nội là xa xôi, sẽ khó do phải đi lại... Từ đó, vị lãnh đạo này đặt vấn đề nghị định hướng dẫn điều kiện niêm yết tại sàn Hose có cho phép Bộ Tài chính tăng hoặc giảm số vốn điều lệ ở sàn HoSE trong biên độ tối đa 30% của 80 tỉ đồng, căn cứ vào tình hình thị trường và sau khi xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Ông đề nghị cơ quan quản lý thị trường xử lý theo quy định này để tạo sự ổn định cho thị trường.

Đúng luật và theo lộ trình

 

Chứng khoán có phiên tăng điểm đầu năm

Chứng khoán trong phiên giao dịch ngày 6-1 lần đầu tiên ghi điểm, VN-Index tăng 2,13 điểm (0,68%), đạt 314,04 điểm, còn Hastc-index tăng 1,75 điểm (1,69% ), đóng cửa ở mức 105,53 điểm. Sức cầu tăng mạnh giúp thị trường sôi động trở lại dù nhà đầu tư còn thận trọng. Tại sàn TP.HCM, khối lượng khớp lệnh đạt hơn 11,5 triệu chứng khoán, tăng gần 52% so với phiên trước, giá trị khớp lệnh đạt hơn 259 tỉ đồng, tăng 47,7%.

Thế nhưng, theo ông Vũ Bằng, việc chuyển sàn là thực hiện đúng lộ trình và quy định của luật, mục tiêu là sàng lọc, phân loại DN phù hợp với tiêu chuẩn của từng thị trường. Các DN lớn, hoạt động tốt và đáp ứng các tiêu chí khác ngặt nghèo hơn mới được niêm yết tại Hose, còn lại phải chuyển ra sàn Hastc hoặc thị trường chưa niêm yết. Cũng theo ông Bằng, việc đưa ra biên độ điều chỉnh 30% so với mức 80 tỉ đồng là hướng mở để có thể nâng mức vốn tối thiểu niêm yết tại sàn Hose trong điều kiện thị trường phát triển hơn nữa, chứ không phải để “bóp” lại vốn tối thiểu.

Ông Bằng chia sẻ lo lắng của DN nhưng cho rằng lộ trình đã được công bố từ hai năm trước, DN đủ thời gian để chủ động chứ không thể “bất ngờ”. Ông Bằng cũng dẫn chứng hiện nhiều công ty đang niêm yết tại sàn TP.HCM nhưng trụ sở lại đặt ở phía Bắc, miền Tây... và thời gian qua không gặp bất cứ trở ngại nào vì lý do... xa xôi.

Ngoài các DN không đủ điều kiện về vốn, những DN thua lỗ liên tục cũng sẽ được chuyển sang thị trường chưa niêm yết. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi thị trường đăng ký giao dịch do Hastc tổ chức, DN có vốn dưới 10 tỉ đồng hoặc thua lỗ vẫn được tạm thời ở lại sàn Hastc.

Một số chuyên gia cũng cho rằng quy định vốn tối thiểu là một trong những yếu tố nhằm phân nhóm DN, khẳng định rõ hơn chất lượng hàng hóa niêm yết. Việc thực hiện đúng lộ trình chuyển sàn khẳng định quyết tâm nâng “chất” hàng hóa và đây là thời điểm thích hợp. Nếu chờ thị trường “nóng” trở lại, DN đua nhau tăng vốn để được ở lại nhưng phương án sử dụng vốn không tốt sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường.

Tuy nhiên, cũng đừng quá lo khi chuyển sàn. “Có thể trong thời gian đầu, việc chuyển sàn ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của DN, nhưng hiệu quả kinh doanh sẽ thuyết phục nhà đầu tư”, một chuyên gia nói.

HẢI ĐĂNG



 
Các tin đã đăng đến ngày :
Danh mục :
Tìm tiêu đề tin :